Kế hoạch Chiến_dịch_Budapest

Quân đội Liên Xô

Giai đoạn 1

Việc hoàn thành mục tiêu giải phóng Budapest trong thời gian này trở thành một mục tiêu chính trị đặc biệt quan trọng, giải phóng được Budapest sẽ mang ý nghĩa lớn trong việc củng cố vị thế và tiếng nói của phía Liên Xô trong bàn đàm phán tại Yalta. Nhận thức rõ điều này, Tổng tư lệnh tối cao I. V. Stalin đã ra chỉ thị cho Phương diện quân Ukraina 2 cần phải nhanh chóng tổ chức ngay cuộc tấn công vào Budapest, không thể chần chừ.[9] Đồng thời, việc nhanh chóng giải phóng thủ đô Hungary sẽ có tác động lớn đến cán cân giữa các thế lực chính trị tại đất nước này.[10]

Sự vội vã của I. V. Stalin một phần đến từ các báo cáo của L. Z. Mekhlis. Trong các báo cáo này, L. Z. Mekhlis đã nhấn mạnh quá mức đến sự suy yếu, hỗn loạn và khủng hoảng về binh lực cũng như tinh thần của quân đội Hungary, đặc biệt là trong bức điện riêng gửi I. V. Stalin vào ngày 28 tháng 10 năm 1944. Tất cả những điều này đã kích thích và củng cố ý nghĩ của I. V. Stalin về một cuộc tấn công mau chóng (và dễ dàng) vào khu vực Budapest, vì thế ông đã quyết định yêu cầu Phương diện quân Ukraina 2 tổ chức tấn công ngay lập tức. Bộ Tổng tham mưu do không nắm được tường tận những báo cáo này nên đã không kịp ngăn cản ý định tấn công sớm của Tổng tư lệnh tối cao. Ngay cả Phó Tổng Tham mưu trưởng A. I. Antonov cũng không thuyết phục được I. V. Stalin rằng các báo cáo của L. Z. Mekhlis là không đúng sự thật, đặc biệt là ở khu vực Budapest.[10]

Ngày 28 tháng 10 năm 1944, khi cánh Bắc của Phương diện quân Ukraina 2 vừa hoàn thành một chiến dịch phức tạp ở Debrecen với những tổn thất không nhỏ; STAVKA có điện thoại hỏa tốc gọi đến Nguyên soái R. Ya. Malinovsky tại Sở chỉ huy Phương diện quân Ukraina 2 đang đóng tại Szeged. Đích thân Tổng tư lệnh tối cao I. V. Stalin cầm máy:

Stalin: Việc đánh chiếm Budapest, thủ đô Hungary trong thời gian trước mắt là rất cần thiết. Điều này cần phải thực hiện bằng bất cứ giá nào. Các đồng chí có làm được điều đó không ?Malinovsky: Nhiệm vụ này có thể bắt đầu sau 5 ngày, sau khi Tập đoàn quân 46 có sự tăng cường của các quân đoàn cơ giới cận vệ 2 và 4. Dự kiến đến ngày 1 tháng 11, các quân đoàn này mới đến vị trí đã định để mở ra một mũi đột kích mạnh, gây bất ngờ cho đối phương. Và đến 2 hoặc 3 ngày sau mới có thể làm chủ Budapest.Stalin: Bộ Tổng tư lệnh không thể đồng ý với thời hạn 5 ngày chuẩn bị. Đồng chí thấy đấy, vì lý do chính trị, chúng ta cần chiếm Budapest càng sớm càng tốt.Malinovsky: Tôi hiểu rõ tầm quan trọng của Budapest trong những cân nhắc về chính trị. Nhưng nên chờ đến khi Quân đoàn cơ giới cận vệ 4 sẵn sàng. Chỉ có điều kiện đó mới có thể có hy vọng thành công.Stalin: Chúng ta không thể chậm trễ tấn công đến 5 ngày nữa. Chúng ta phải thực hiện ngay lập tức các cuộc tấn công vào Budapest.Malinovsky: Nếu đồng chí cho tôi 5 ngày chuẩn bị thì chỉ tối đa là 5 ngày sau đó, Budapest sẽ được chiếm lĩnh. Nếu chúng ta tấn công ngay lập tức, quân đội sẽ thiếu lực lượng để phát triển một đòn tấn công binh chủng hợp thành tại khu vực của Tập đoàn quân 46, sẽ xuất hiện những trận đánh kéo dài trong hầu hết các mũi tấn công tiếp cận thủ đô Hungary. Trong thời gian ngắn, chúng ta không thể nào đánh chiếm Budapest trong hành tiến.Stalin: Đồng chí đang kiên trì thuyết phục tôi một cách vô ích, đồng chí đang không hiểu sự cần thiết về chính trị cho việc tấn công Budapest ngay tức khắc.Malinovsky: Tôi hiểu tầm quan trọng về chính trị của việc đánh chiếm Budapest. Tôi chỉ yêu cầu cho tôi thêm 5 ngày...Stalin: Tôi sẽ ký ngay các mệnh lệnh để ngày mai, lập tức mở các cuộc tấn công vào Budapest.


I. V. Stalin cúp máy.[11] Không lâu sau đó, chỉ thị về cuộc tấn công đã được phê chuẩn vào lúc 22 giờ ngày 28 tháng 10 năm 1944.[10] Điều này có nghĩa là, Phương diện quân Ukraina 2 phải tấn công thủ đô Hungary trong tình trạng binh lực vừa bị hao tổn nặng nề, không được củng cố và chuẩn bị đầy đủ như mong muốn.

Do các lực lượng của Đức đang tập trung tại khu vực xung quanh Debrecen, binh lực Đức tại phòng tuyến phía Nam trở nên mỏng đi và Đại bản doanh Bộ Tổng tư lệnh Tối cao Liên Xô quyết định khai thác điểm yếu này[12] bằng cách chuyển mũi tấn công chính sang cánh trái của Phương diện quân Ukraina 2.

Giai đoạn 2

Do không đủ lực lượng xe tăng cơ giới, cuộc tấn công đầu tiên của Phương diện quân vào Budapest từ một dải hẹp trên hướng Nam và Đông Nam bắt đầu ngày 29 tháng 10 đã sớm kết thúc ngày 3 tháng 11. Bộ Tổng tham mưu Liên Xô không thuyết phục được I. V. Stalin thay đổi quyết định trước khi ông đi Yalta dự Hội nghị tam cường và buộc phải loay hoay tìm lối thoát.

Bộ Tổng tham mưu Liên Xô quyết định mở rộng chính diện tấn công ra cả khu vực sườn phải của Phương diện quân Ukraina 2 trên hướng Miskolc - Hatvan chứ không chỉ bó hẹp ở hướng Nam và Đông Nam Budapest. Tại khu vực của Tập đoàn quân số 46 vẫn duy trì các hoạt động tấn công. Các quân đoàn cơ giới cận vệ 2 và 4 tại hướng Đông Nam Budapest, phía Bắc Szeged sẽ mở đường cho Tập đoàn quân cận vệ 7 tổ chức một mũi phụ công ở hướng Tây Bắc của thành phố Szolnok vào nơi tiếp giáp giữa tuyến phòng thủ của Tập đoàn quân 6 (Đức) và Tập đoàn quân 3 (Hungary) với mục tiêu thiết lập một đầu cầu bên bờ Tây sông Tisza. Cánh phải của Phương diện quân Ukraina 2 sẽ tiến công đồng loạt trên hướng Miskolc, Eger và Hatvan với nhiệm vụ găm giữ chủ lực quân Đức tại đây và không cho phép quân Đức điều quân đến tăng viện cho hướng chính tại Budapest. Trong khi đó, Phương diện quân Ukraina 3 sẽ tiếp tục cấp tốc hành tiến đến vùng Banat và sử dụng các đơn vị tiên phong của họ để đánh chiếm một đầu cầu bên hữu ngạn của sông Danube tại Tây Nam Budapest. Bộ Tổng tham mưu Liêm Xô còn tính toán rằng việc gia tăng tăng sức ép của Phương diện quân Ukraina 2 sẽ kéo bớt các lực lượng Đức ở Slovakia về hướng Budapest, giúp cho Phương diện quân Ukraina 4 vượt qua điểm nút ở Chov để chia cắt Tập đoàn quân xe tăng 1 (Đức) với Tập đoàn quân 8 (Đức).[13]

Giai đoạn 3

Vì mở rộng diện tấn công trên mấy hướng nên binh lực của Phương diện quân Ukraina 2 bị phân tán. Thêm vào đó là những hao tổn không nhỏ qua hai giai đoạn tấn công nên ngày 24 tháng 11 năm 1944, quân đội Liên Xô phải dừng tấn công lần thứ hai để làm lại kế hoạch tấn công Budapest gần như từ đầu. Theo kế hoạch cũ, cánh phải của Phương diện quân Ukraina 2 tấn công trên 3 hướng gần như đồng đều nhau về binh lực:

  • Hướng Miskolc: Tập đoàn quân 27 phụ trách chính diện 50 km
  • Hướng Eger: Tập đoàn quân 53 phụ trách chính diện 45 km
  • Hướng Hatvan: Tập đoàn quân cận vệ 7 phụ trách chính diện 55 km

Trong báo cáo ngày 24 tháng 11 gửi về STAVKA, Nguyên soái S. K. Timoshenko cho rằng cần coi hướng Hatvan - Balassagyarmat là hướng chính; hướng Miskolc chỉ là hướng phụ.[14]

Việc Phương diện quân Ụkraina 3 hoàn thành nhiệm vụ ở Nam Tư và tiến ra biên giới Hungary đã tạo cơ hội cho Bộ Tổng tư lệnh Liên Xô sửa chữa những sai lầm đã mắc phải trong hai giai đoạn đầu của chiến dịch. F. I. Tolbukhin cho rằng dùng phương diện quân của ông tiến sang phía Tây Hungary là thất lợi về thế trận quân sự mà nên sử dụng cánh quân này phối hợp với Phương diện quân Ukraina 2 để bao vây, tiêu diệt cụm quân Đức tại Budapest. Sau đó mới có thể tính đến chuyện tấn công theo hướng Viên. STAVKA đã chấp nhận sáng kiến của F. I. Tolbukhin.[10]

Các giai đoạn cuối

Do Bộ Tổng tư lệnh quân đội Đức Quốc xã huy động 13 sư đoàn xe tăng, 2 sư đoàn và 1 lữ đoàn cơ giới cùng nhiều sư đoàn bộ binh tổ chức phản công tại khu vực Comarno và Balaton, Quân đội Liên Xô một lần nữa phải thay đổi kế hoạch. Họ tạm dừng các đòn đột kích vào nội đô Budapest và điều các quân đoàn xe tăng, cơ giới, pháo tự hành và pháo chống tăng chặn đánh đòn phản công của quân Đức. Chỉ đến khi các cuộc phản công của các quân đoàn xe tăng SS III và IV (Đức) bị chặn lại ở Bicske, PilisszentkeresztErcsi, Quân đội Liên Xô mới tiếp tục công kích Budapest và làm chủ thành phố này.

Quân đội Đức Quốc xã

Xe tăng Tiger II của quân đội Đức Quốc xã lập chốt phòng thủ trên đường phố Budapest

Budapest vốn do hai thực thể địa - xã hội có đặc điểm khác nhau hình thành hai bên bờ sông Danube là Buda và Pest. Nếu như Buda là một đô thành cổ với một số pháo đài và các công trình quân sự kiên cố thì Pest là khu đô thị ở bờ Nam sông Danube. Tương tự như Königsberg, Breslau và một số thành phố cổ khác ở châu Âu, đây là một địa điểm khá lý tưởng cho việc phòng thủ nội đô. Từ khi quân đội Liên Xô bắt đầu tiến vào đồng bằng Hungary, quân đội Đức Quốc xã đã chuẩn bị cho Budapest trở thành một pháo đài thực sự với nhiều binh lực, dự trữ vũ khí hạng nặng, đạn dược, lương thực, phương tiện vật tư y tế. Tuyến phòng thủ vòng ngoài hình thành một vòng cung lớn ôm lấy Budapest từ phía Đông Bắc qua phía Đông đến phía Nam. Hai lớp phòng thủ bên trong hình thành hai vòng tròn đồng tâm. Ở chính giữa là nội đô Budapest với hàng trăm ổ đề kháng dựa vào các ngôi nhà kiên cố được trang bị pháo hạng nhẹ, pháo chống tăng và súng máy hạng nặng.

Do tính chất phức tạp trên một không gian rộng và thời gian kéo dài của Chiến dịch Budapest, quân đội Đức Quốc xã cũng phải thay đổi kế hoạch phòng thủ nhiều lần.

Ban đầu, quân Đức dựa vào tuyến sông Tisza, một chi lưu lớn của sông Danube để phòng thủ Budapest từ xa. Khác với việc bố trí quân trong Chiến dịch Iaşi-Chişinău, tại Hungary, tướng Johannes Frießner bố trí các Tập đoàn quân Đức 6 và 8 (Đức) xen kẽ với các tập đoàn quân 1, 2 và 3 (Hungary). Khi tuyến phòng thủ này bị quân đội Liên Xô vượt qua tại SzegedSubotica, tướng Johannes Frießner dựa vào tuyến phòng thủ thứ hai trên sông Danube và vành đai phòng thủ từ Kecskemét đến Baja. Khi quân đội Liên Xô khép vòng vây quanh Budapest tại khu vực Esztergom, không kể các lực lượng hiện có của 2 tập đoàn quân Đức và 3 tập đoàn quân Hungary, tướng Johannes Frießner được chi viện bởi các lực lượng xe tăng và kỵ binh mạnh rút từ Tây Âu, từ Carpath, từ Ý và từ trung tâm nước Đức.

Trong giai đoạn Budapest bị bao vây, tướng Otto Wöhler lên thay tướng Johannes Frießner chỉ huy Cụm tập đoàn quân Nam (Đức) đã tổ chức cuộc phản công của quân đội Đức Quốc xã không chỉ nhằm giải vây cho cụm quân Budapest mà còn có mục tiêu bao vây ít nhất 10 sư đoàn Liên Xô (chủ yếu thuộc Tập đoàn quân cận vệ 7) đang tác chiến ở phía Tây Bắc Budapest, phá bàn đạp của quân đội Liên Xô trên hướng tấn công vào Viên.

Các cuộc phản công của quân Đức (kể cả cuộc phản công Hồ Balaton sau khi bị mất Budapest) không chỉ nhằm mục tiêu giữ được đồng minh cuối cùng ở châu Âu là Hungary mà còn phục vụ một kế hoạch chính trị khác của Adolf Hitler. Kế hoạch đó cũng dựa vào kết quả các hoạt động quân sự ở Hungary và Ba Lan. Theo đó, ở mặt trận phía Tây, quân đội các nước Đồng Minh đã vượt qua biên giới nước Đức còn ở phía Đông thì quân đội Liên Xô bắt đầu mở Chiến dịch Wisla-Oder, Chiến dịch SilesiaChiến dịch Đông Phổ, áp sát biên giới phía Đông nước Đức; tất cả những điều này khiến Berlin ngày càng trở nên không an toàn. Ban lãnh đạo tối cao nước Đức Quốc xã đã bàn đến việc chuyển trọng tâm chiến đấu chống quân đồng minh về miền Nam nước Đức, Áo và Tây Tiệp Khắc, dựa vào dãy núi Anpơ để trụ lại. Trong trường hợp không còn có thể kháng cự được thì vùng này thuận lợi cho việc đầu hàng quân Anh - Mỹ chứ không đầu hàng Liên Xô.[15] Do đó, kết quả chiến sự tại Hungary có ảnh hưởng rất lớn đến ý đồ đó của Ban lãnh đạo nước Đức Quốc xã.

Tài liệu tham khảo

WikiPedia: Chiến_dịch_Budapest http://books.google.be/books?id=cLY1z-XLd_IC&pg=PR... http://books.google.com/books?id=NilW70Yol74C http://books.google.com/books?id=tAOgAAAAMAAJ http://www.youtube.com/watch?v=S7tYf2zUNqc http://www.youtube.com/watch?v=SO_JT_x8CbI http://www.youtube.com/watch?v=gGgOviJ_Pzk http://www.youtube.com/watch?v=hzuhjW9HSx0 http://muse.jhu.edu/journals/past_and_present/v188... http://www.piter.fm/artist/%D0%BC%D0%B0%D1%80%D0%B... http://cadmus.iue.it/dspace/bitstream/1814/2599/1/...